Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗*/5
Năm 2015 là một năm đọc sách khoa học viễn tưởng của mình. Bên cạnh Người Sao Hỏa đình đám của Andy Weir, mình còn có may mắn đọc được tác phẩm The Three Body Problem (Tam Thể) của tác giả Trung Quốc Cixin Liu (Lưu Từ Hân) qua bản dịch tiếng Anh của Ken Liu. Đây là tập 1 trong bộ truyện ba tập được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2006 (thế mà đến năm 2014 mới được dịch sang tiếng Anh!). Khi đọc mình thật bất ngờ với mức độ phức tạp của câu chuyện đan chéo trong những chi tiết khoa học kỹ thuật. Tên truyện lấy từ một bài toán (Bài toán Ba Vật Thể) của Newton, miêu tả mối liên hệ giữa ba vật thể khi chúng có lực hấp dẫn làm xáo trộn lẫn nhau, chẳng hạn như trong mối liên hệ giữa Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời. Nhưng bạn yên tâm, bộ truyện không đi sâu (ít nhất là tập 1 & 2) vào việc giải mã bài toán, mà nó dẫn dắt người đọc suy nghĩ khá sâu xa vào mối quan hệ giữa những con người trong cùng một hành tinh và giữa từng quốc gia. Mình đã không mấy ấn tượng với Lôi Mễ, một cảnh sát viên viết truyện trinh thám, nhưng hoàn toàn ấn tượng với Lưu Từ Hân, một kỹ sư viết truyện khoa học viễn tưởng (cũng giống Andy Weir nhé!). Quyển sách này quả xứng đáng với giải Hugo (giải thưởng xuất sắc cho truyện khoa học viễn tưởng) của năm 2015.
Gửi đến bạn đọc bài review của tác giả Rick Riordan, một tác giả mà mình cũng rất thích.
Rick Riordan đánh giá: ∗∗∗∗/5
Một truyện khoa học viễn tưởng dành cho người lớn. Của tác giả Trung Quốc Cixin Liu. Truyện Three-Body Problem dùng một bối cảnh cổ điển — liên lạc với người ngoài hành tinh — và vặn nút cho mức độ tai hại lên đến cực điểm. Câu chuyện bắt đầu từ cuộc Cách mạng Văn hóa khi cô gái trẻ Ye Wenji (Diệp Văn Cát) phải chứng kiến cảnh cha mình, một nhà khoa học, bị đánh đến chết bởi những nhà cách mạng nhiệt thành. Cô bị đưa đi lao động công ích ở một trại cải tạo, nhưng vận mệnh lại đưa cô đến làm ở một trung tâm chính phủ bí mật tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Quay nhanh để chuyển đến thời hiện tại, nhà khoa học vi mô Wang Miao (Uông Miểu) bị công an bắt và đem đến một buổi họp bí mật của các quan tướng trong quân đội, họ đang chiến đấu với một kẻ thù không tên — một thế lực đang tìm cách để tiêu diệt tận gốc khoa học và kỷ thuật của nhân loại bằng cách tìm giết các nhà khoa học hoặc khiến họ phát điên và tự vẫn. Uông Miểu bắt đầu nằm vùng cho phi vụ bí mật bằng cách bắt đầu chơi một trò chơi thực tại ảo mang tên Three-Body Problem (Tam Thể), một trò chơi mà chỉ có những nhà khoa học với đầu óc sáng suốt thông thái nhất mới có chút hy vọng đánh bại được nó.
Đề tài của truyện tuyệt vời và có cơ sở khoa học vững vàng (trong tầm hiểu biết của tôi). Quyển sách đưa ra một câu hỏi đầy ám ảnh: Liệu chúng ta có thật sự muốn liên lạc với những nền văn minh khác hay không? Nếu bạn có cơ hội tiêu diệt toàn bộ nhân loại, bạn sẽ làm thế không? Khoa học có thật sự khách quan và có thể chứng thực, hay nó chỉ là những phán đoán tốt nhất mà chúng ta có thể đưa ra dựa trên hiểu biết có giới hạn của chúng ta về không gian bốn chiều?
Tôi thấy quyển sách khó tiếp đọc cho đến chừng nửa sách. Có quá nhiều nhân vật, và phần lớn dường như họ chỉ là những nhân vật không đáng kể hiện diện để diễn tiến câu chuyện hoặc chỉ để phát ngôn tán thành ý kiến chứ không phải những người thật sự. Đôi khi những đoạn văn có vẻ như tóm tắn của cuốn tiểu thuyết chứ không phải là văn của tiểu thuyết. Tuy nhiên, ý tưởng trong truyện thật cuốn hút. Đây phải nói là một trong những quyển sách “gây sửng sốt đến mê mẩn” nhất mà tôi từng đọc. Nếu bạn thích những ý tưởng lớn và truyện fantasy dựa trên khoa học thật sự, quyển sách này rất đáng đọc.
Nguồn: Rick Riordan’s review for Three-Body Problem
Dang Khoa Pham
June 20, 2016 — 12:47 pm
Cuốn này đọc cũng tạm được, có điều càng về cuối càng đuối, có phần đầu phần giữa hấp dẫn. Theo cá nhân mình thì chỉ ***/5 thôi.
conruoinho
June 20, 2016 — 1:28 pm
Cái này mình không biết do vấn đề bản dịch không thu hút hay đơn giản là nội dung không hay theo quan điểm của bạn. Dù gì thì mình cũng khuyến khích bạn đọc phần 2 (khi có bản dịch hoặc đọc bản tiếng Anh), vì mình thấy phần 2 hay hơn hẳn phần 1.
Tra My
August 17, 2016 — 12:05 am
Phần đầu mình đọc thấy khá bình thường, công nhận phần giữa cuốn hơn nên mình mong đến phần cuối cũng giữ được phong độ. Nhưng mà không được như mong muốn 🙁
springbunny
December 27, 2016 — 11:07 pm
Mình lại trái ngược với ý kiến 2 bạn trên. Phần đầu truyện dẫn dắt có hơi không liên quan lắm, nhiều lúc mình tự hỏi cái phần giới thiệu có nhầm ko vậy. Phần giữa nói về cuộc đời của bà Diệp thì ứng với câu nói “người đáng thương tất có chỗ đáng ghét”, bà ấy quá cực đoan y hệt cái xã hội TQ trong thời Cách Mạng Văn Hóa ấy, cái tính ích kỷ ấy… thôi mình không nói gì nhiều nữa. Còn phần cuối thì tuyệt vời. Không ngờ vũ trụ lại hay ho đến vậy, ko ngờ một hạt P lại có thể to lớn nhường ấy. Truyện dừng lại tại phần hay nhất, thật tiếc quá. Mong chờ tập 2
Trần Nhật Anh
June 24, 2017 — 9:49 pm
Diệp Văn Cát cực đoan thì cực đoan nhưng không phải là không biết lí trí đâu bạn. Nếu là lửa hận che mờ lí trí thì đã không tha thứ cho 3 người phụ nữ thanh niên xung phong tham gia vào việc sát hại cha của Diệp Văn Cát. Và nếu thực sự cực đoan thì tại sao bà ta lại nhận ra sai lầm của mình khi liên lạc với Trisolaris? (ban đầu Diệp hy vọng rằng Trisolaris sẽ mang đến hòa bình cho nhân loại, nhưng sau khi nhận ra bản chất của chúng thì Diệp đã chết với lời trăn trối “nhân loại sắp đến ngày tàn”).
Tác giả Lưu Từ Hân chưa bao giờ kì thị con người. Mong muốn của ông là nhân loại hãy xích lại gần nhau để đối đầu với hiểm nguy không ai ngờ được. Cách mạng Văn hóa thì cũng chỉ là 1 cái Chaotic Era nơi người ta phải giết lẫn nhau để sinh tồn, giống cái cách người Trisolaris nấu canh thịt bằng chính đồng loại của mình.