Đánh giá của tôi: ∗∗/5
Thuê bao quý khách… là tác phẩm đoạt giải tư VH20 IV vào năm 2010. Tôi đọc thấy nó… chán gì đâu. Dưới đây là giới thiệu tác phẩm của NXB Trẻ, tôi thấy lời bình được viết còn hay hơn câu chuyện mà Hương Thị kể.
“Diễn biến câu chuyện từ hiện tại đến quá khứ chỉ diễn ra trong vòng 3 thập kỷ mà như chuyện lâu lắm, xưa lắm rồi. Những biến động của thập kỷ 80 thế kỷ 20 với chiến tranh biên giới, làng quê nghèo nàn và đố kỵ, sự tan rã của hệ thống Đông Âu và nhiều câu chuyện khác mới đây thôi mà đà như cổ tích. Dòng xoáy của cuộc sống đô thị trong thời đất nước mở cửa đặt con người trước mọi lo âu, toan tính, tị hiềm nhỏ nhen và đê tiện mà quên đi một dòng chảy khác cũng không kém mãnh liệt – dòng chảy của đời thường, của người nghèo khổ.
Đối diện với cuộc sống, đối diện với lương tâm và trách nhiệm, với thiên chức của người mẹ đã khiến cho nhân vật chính của truyện trở lại là mình, được là chính mình, chủ động trôi theo dòng xoáy cuộc đời…”
(Giới thiệu của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu)
Mở đầu truyện thật ra cũng khá hay, có vài câu về cuộc sống vội vã có thể dùng làm mấy tấm hình trích dẫn đẹp đẽ trên facebook hay tumbler. Nhưng chỉ chừng đó thôi, đi sâu hơn vào câu chuyện chỉ đơn giản kể về Thục, một cô phó tổng giám đốc đang có tất cả, đùng một cái, người yêu cô ta bỏ đi, để lại cho cô… cái bầu. Bình thường dường như cô ta hay gắt gỏng với nhân viên cấp dưới và cũng không ngại thể hiện với những người khác trong công ty là cô có năng lực nhất. Và rồi, từ đó là những hồi ức đan xen hiện tại về chuyện tình của mẹ và cha cô, dẫn đến quyết định giữ lại cái thai của cô, v.v… Bỗng dưng, bây giờ cô có bầu thì mọi người lại thân thân thiết thiết với nhau. Câu chuyện chỉ có thế thôi, chả thấy ảnh hưởng sâu sắc gì từ sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Đông Âu. Nhạt.
Thật ra, cốt truyện rất có tiềm năng, có thể được khai triển thành một câu chuyện sâu sắc hơn về nội tâm con người, sự trưởng thành của người mẹ trẻ và cả đất nước đang thay đổi. Nhưng Hương Thị chỉ dừng lại ở 110 trang sách, đọc cái vèo là hết, không để lại cảm xúc lắng đọng nào trong tôi. Đến giờ tôi cũng tự hỏi, tại sao đang yên ổn, tự nhiên anh người yêu kia lại bỏ đi, hình như đến cuối truyện cũng không có lời giải đáp. Thêm vào đó, tính cách nhân vật Thục có vẻ… vô duyên, nên cho dù câu từ của Hương Thị có mượt mà cũng không bù đắp cho tính cách nhạt nhẽo của Thục. Không phải tôi không có lòng trắc ẩn, nhưng tôi thấy hoàn cảnh của cô ta chẳng có gì đáng để nói đến. Cô bé theo mẹ đến phòng khám phá thai cùng lúc với Thục, hay anh trưởng phòng lúc nào cũng nịnh bợ Thục, hay cả lão bác sĩ đút tấm card visit vào túi quần Thục,… tất cả những người đó đều có vẻ thú vị hơn Thục. Còn Thục, lớn lên trong sự thương yêu của bà và mẹ dù cha đã mất, nhưng con người cô lại trống rỗng, từ đầu đến cuối truyện.
Photo Credit: book stock photo
Thông tin sách:
NXB Trẻ
Xuất bản tiếng Việt: Tháng 8, 2010
Kích thước: 13 x 20 cm, 130 trang
Tác giả: Hương Thị
Giá bìa: 31.000 đồng