Ngày 24 tháng 1, năm 2014

Ngay khi những hình ảnh CT[1] vừa được chụp xong, tôi liền xem xét chúng. Chẩn đoán được đưa ra ngay lập tức: những mảng tế bào làm xỉn màu phổi và biến dạng cột sống. Trong thời gian thực tập giải phẫu thần kinh, tôi đã kiểm nghiệm hàng trăm mẫu chụp cho các y sĩ đồng nghiệp để xem phẫu thuật có mở ra một hy vọng nào khác không. Tôi hí hoáy viết xuống bệnh án “Bệnh di căn lan truyền rộng – phẫu thuật vô ích,” rồi tiếp tục. Nhưng mẫu chụp này thì khác: Nó là của chính tôi.

Tôi từng ngồi với vô số bệnh nhân và thân nhân để bàn về tiên lượng u ám: Đó là một trong những việc quan trọng nhất của bác sĩ. Việc ấy dễ dàng hơn khi bệnh nhân đã 94 tuổi bị chứng mất trí nhớ ở giai đoạn cuối và xuất huyết não trầm trọng. Đối với những người trẻ như tôi – tôi 36 tuổi – bị chẩn đoán ung thư, thì chẳng có mấy lời. Tôi thường nói mấy lời rập khuôn “đây là một cuộc đua marathon chứ không phải cuộc đua chạy nước rút, nên anh (chị) nên nghỉ ngơi mỗi ngày” và “bệnh tật có thể chia cách gia đình nhưng cũng có thể đem mọi người đến gần nhau hơn… nên để ý đến nhu cầu của nhau và tìm thêm những hỗ trợ khác.”

Tôi học được vài quy luật cơ bản. Thành thật về tiên lượng nhưng luôn mở đường cho một tia hy vọng. Nói mập mờ nhưng phải nói đúng: “vài ngày đến vài tuần,” “vài tuần đến vài tháng,” “vài tháng đến vài năm,” “vài năm hết một thập kỷ hoặc hơn thế nữa.” Chúng tôi không bao giờ dẫn chứng chi tiết thống kê, và thường khuyên họ đừng google khả năng sống còn, mặc định rằng bệnh nhân thông thường không am hiểu những lắt léo trong môn thống kê.

Khi nghe “Phẫu thuật X có 70% cơ hội sống còn,” thì người ta có phản ứng khác với “Phẫu thuật Y có 30% khả năng tử vong.” Diễn đạt như thế khiến người ta lao vào phẫu thuật X dù xác suất của hai phẫu thuật đều như nhau. Lúc một người bạn của tôi mắc phải bệnh ung thư tuyến tụy, tôi trở thành mà chuyên gia y khoa giữa một rừng các nhà thống kê học sành sỏi. Tôi vẫn thuyết phục họ đừng có mà tìm hiểu thống kê của căn bệnh, chỉ số sống còn 5 năm cũng đã quá đát ít nhất 5 năm rồi. Không hiểu vì sao tôi cảm thấy chỉ những con số ấy thôi thì quá khô khan, và kinh nghiệm hằng ngày của một y sĩ về căn bệnh là thiết yếu để hiểu toàn cảnh. Hầu như tôi cảm nhận được thôi thúc ấy: Giữ lấy một tia hy vọng.

Những biểu đồ sống còn này đuợc gọi là đường cong Kaplan-Meier, là một cách chúng tôi dùng để đo lường tiến triển của trị liệu ung thư, chúng vẽ sơ đồ số lượng bệnh nhân đã sống sót. Với một số bệnh, đồ thị ấy trông như một chiếc máy bay đang hạ cánh, nhưng với một số bệnh khác thì trông nó như máy ném bom đâm bổ xuống. Bác sĩ suy tư nhiều về những đường cong này, về hình dáng và ý nghĩa của chúng. Ví dụ như trong nghiên cứu ung thư não, tuy con số sống còn trung bình chẳng thay đổi gì mấy, nhưng cái đuôi của đường cong đang dài ra một cách đáng kể, cho thấy vài bệnh nhân kéo dài sự sống đến nhiều năm liền. Vấn đề là bạn không thể biết được bệnh nhân nằm ở vị trí nào trên đường cong ấy. Thật bất khả thi, thậm chí vô trách nhiệm khi phải chẩn đoán chính xác hơn cả những chẩn đoán đúng của bạn.

Có lẽ bạn nghĩ rằng khi bác sĩ ung thư ngồi cạnh bên giường bệnh của tôi, tôi sẽ không đòi hỏi thông tin về xác suất sống còn ngay lập tức. Nhưng giờ khi tôi xoay trục từ vị trí bác sĩ thành bệnh nhân, tôi cũng có khao khát muốn biết con số ấy như tất cả những bệnh nhân khác. Tôi hy vọng cô bác sĩ sẽ xem tôi như một người vừa hiểu thống kê vừa hiểu thực tế trong y học về bệnh tật, rằng cô ấy sẽ cho tôi sự chắc chắn, một sự thật không to son điểm phấn. Cô từ chối thẳng thừng: “Không. Không bao giờ đâu.” Cô biết rõ tôi có thể – và đã – tìm hiểu những nghiên cứu về chứng bệnh này. Nhưng ung thư phổi không phải là chuyên ngành của tôi, còn cô là chuyên gia tầm cỡ thế giới. Cứ đến hẹn là một cuộc vật lộn xảy ra, lúc nào cô cũng luôn tránh xác định bất cứ một con số nào.

Giờ thì thay vì tự hỏi vì sao một số bệnh nhân nằng nặc hỏi những xác suất thống kê, tôi bắt đầu tự hỏi vì sao y sĩ lại gây hoang mang trong khi họ có quá nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Ban đầu khi mới xem mẫu chụp CT của mình, tôi đoán rằng mình chỉ còn sống được vài tháng. Mẫu chụp trông tồi tệ. Tôi trông thật tồi tệ. Tôi sụt hơn 13 kg, phát chứng đau lưng điếng cả người và mỗi ngày càng thấy kiệt quệ hơn. Những xét nghiệm của tôi cho thấy mức độ protein (chất đạm) và công thức máu của tôi thấp trầm trọng còn cơ thể thì quá tải, thất bại ngay cả trong những hoạt động cơ bản nhất để duy trì sự sống.

Tôi đã nghi ngờ mình có bệnh ung thư từ vài tháng nay. Tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân trẻ mắc bệnh ung thư. Nên tôi không thấy sốc. Trên thực tế, tôi còn thấy có chút thở phào nhẹ nhõm. Bước tiếp theo đã quá rõ ràng: Chuẩn bị chết. Khóc. Bảo vợ tôi nên tái hôn, và thu xếp lại công nợ nhà đất. Viết vài lá thư quá hạn đến những người bạn thân thiết. Đúng, có rất nhiều thứ tôi muốn làm trong cuộc đời này, nhưng đôi khi chuyện như vậy xảy ra: Không có gì rõ ràng hơn khi công việc ban ngày của bạn bao gồm cả chấn thương sọ não và ung thư não bộ.

Nhưng vào lần đầu khi khám bác sĩ chuyên khoa ung thư, cô ấy đề cập đến việc một ngày nào đó tôi sẽ đi làm trở lại. Chẳng phải tôi là ma sao? Không. Nhưng thế thì tôi còn được bao lâu nữa? Im lặng.

Đương nhiên cô ấy không thể ngăn cản việc đọc sâu hiểu rộng của tôi. Tôi lao vào nghiên cứu, cố tìm kiếm một cái gì đó có thể cho tôi biết chỉ số của mình. Những nghiên cứu tổng quát lớn đều nói 70-80% bệnh nhân ung thư phổi sẽ chết trong vòng hai năm. Họ không cho phép hy vọng gì nhiều. Nhưng rồi nói lại, đa số những bệnh nhân ấy đều lớn tuổi hơn và hút thuốc như ống khói. Cái nghiên cứu về nhà phẫu thuật thần kinh 36 tuổi không hút thuốc nằm ở đâu? Hoặc có lẽ căn bệnh của tôi được phát hiện quá chậm trễ, nó đã lan truyền quá rộng, và tình hình của tôi đã tiến triển xa đến độ giờ nó còn thê thảm hơn những bệnh nhân hút thuốc 65 tuổi.

Nhiều bạn bè và người thân kể lại những giai thoại về bạn của bạn của bạn của mẹ tớ, hay bạn đánh tennis của con trai ông thợ hớt tóc của chú tớ cũng mắc bệnh ung thư phổi như thế và sống được 10 năm. Ban đầu tôi thầm hỏi không biết tất cả những câu chuyện ấy có phải chỉ nói về một người duy nhất không, kết nối với tôi như trong quy luật sáu độ cách biệt[2] mà ai cũng biết ấy. Tôi gạt những ảo tưởng không có cơ sở, những suy nghĩ hão huyền ấy sang một bên. Nhưng cuối cùng cũng có vài câu chuyện lọt vào chủ nghĩa hiện thực tôi đã nghiên cứu.

Và thế là sức khỏe của tôi có cải thiện, nhờ viên thuốc có khả năng nhắm thẳng vào đột biến gen liên quan đến chứng ung thư của tôi. Tôi bắt đầu đi lại mà không cần chống gậy và nói những lời như, “À, chắc không có hứa hẹn rằng tôi sẽ may mắn sống được thêm một thập kỷ, nhưng có khả năng đấy.” Một tia hy vọng mong manh.

Tuy vậy, về một phương diện nào đó thì sự chắc chắn của cái chết vẫn dễ dàng hơn cái cuộc đời không kiên định này. Chẳng phải những kẻ ở chốn luyện ngục[3] thà xuống thẳng địa ngục cho xong hay sao? Phải chăng tôi nên thu xếp tang lễ của mình? Hay tôi nên dành hết cuộc đời còn lại cho vợ tôi, bố mẹ tôi, anh em tôi, bạn bè tôi và đứa cháu gái đáng yêu của tôi? Hay tôi viết quyển sách mà mình hằng mong được chấp bút? Hoặc tôi nên quay lại thương lượng những lời đề nghị làm việc vài năm của mình?

Con đường phía trước dường như sẽ rõ ràng hơn nếu tôi biết mình còn mấy tháng hoặc mấy năm. Cho tôi ba tháng, tôi sẽ dành thời gian ấy cho gia đình. Bảo với tôi một năm, tôi sẽ lên kế họach (viết quyển sách ấy). Dành cho tôi 10 năm, tôi sẽ quay lại nghiệp trị bệnh. Sự thật nhạt nhẽo rằng bạn sống từng ngày một chẳng có ích gì: Tôi phải làm gì với ngày ấy bây giờ? Bác sĩ ung thư của tôi có lẽ chỉ nói: “Tôi không thể cho anh biết một thời gian nào cả. Anh phải tự tìm kiếm xem thứ gì quan trọng nhất với anh.”

Tôi bắt đầu nhận ra rằng đối mặt với chuyện sinh tử của chính mình, một mặt chẳng thay đổi điều gì nhưng mặt khác lại thay đổi tất cả mọi thứ. Trước khi bị chẩn đoán bệnh ung thư, tôi biết một ngày nào đó mình sẽ chết, nhưng tôi không biết khi nào. Sau khi bị chẩn đoán, tôi biết một ngày nào đó mình sẽ chết, nhưng tôi cũng không biết đó là khi nào. Nhưng giờ tôi biết một cách sâu sắc. Rằng vấn đề thật sự không phải là một vấn đề khoa học. Sự thật về cái chết thật đáng lo ngại. Nhưng lại chẳng có cách nào khác để sống.

Lý do mà các bác sĩ không cho bệnh nhân tiên liệu chi tiết không đơn giản là vì họ không thể. Đương nhiên, nếu kỳ vọng của bệnh nhân hoàn toàn vượt khỏi xác suất – ví dụ như một người mong được sống đến 130 tuổi, hoặc một người nghĩ rằng những đốm vô hại trên da mình là dấu hiệu của cái chết đang đến gần – thì bác sĩ được giao phó cho nhiệm vụ đưa kỳ vọng của người ấy vào phạm vi của những khả năng xác suất hợp lý.

Nhưng giới hạn của những khả năng hợp lý thật rộng quá. Dựa trên những liệu pháp ngày nay, tôi có thể ra đi trong vòng hai năm, hoặc có thể sống được thêm mười năm. Nếu bạn cộng thêm cả tính bấp bênh của những phương pháp trị liệu mới được đưa ra trong hai ba năm tới, giới hạn ấy có thể hoàn toàn khác hẳn. Đối mặt với sự sinh tử, kiến thức khoa học có thể cung cấp chỉ một gram chắc chắn: Vâng, bạn sẽ chết. Nhưng người ta muốn cả kilogram chắc chắn cơ, nhưng món đó lại không nằm trong danh sách [được cung cấp].

Thứ mà bệnh nhân đòi hỏi không phải là kiến thức khoa học các bác sĩ che giấu, mà là sự xác thực tồn tại mỗi người phải tự tìm kiếm. Đi quá sâu vào thống kê cũng giống như dùng nước muối để cố giải cơn khát. Chẳng có giải pháp nào trong môn xác suất để trị nỗi âu lo phải đối mặt với cái chết.

Tôi nhớ khoảnh khắc khi trạng thái bứt rứt tràn ngập của mình chịu quy phục. Bảy từ mà tôi đã học được từ lâu khi còn ở giảng đường đại học của Samuel Beckett – một tác giả tôi thậm chí còn chưa đọc nhiều [tác phẩm của ông] – bắt đầu chạy đi chạy lại trong đầu tôi, và đại dương của tính bất định mà dường như không thể vượt qua bắt đầu tách ra: “I can’t go on. I’ll go on.” (Tôi không thể tiếp tục. Tôi sẽ tiếp tục.) Tôi bước một bước về phía trước, lặp đi lặp lại những từ ấy: “Tôi không thể tiếp tục. Tôi sẽ tiếp tục.” Và rồi, ở một thời điểm nào đó, tôi đã vượt qua.

Tôi đã được chẩn đoán gần đúng tám tháng. Sức khỏe của tôi đã hồi phục một cách đáng kể. Chứng ung thư qua trị liệu đang dần rút lui. Tôi cũng từ từ trở về với công việc. Tôi phủi sạch đám bụi khỏi những bản thảo khoa học. Tôi viết nhiều hơn, nhìn nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn. Mỗi sáng lúc 5:30 khi đồng hồ báo thức, và cơ thể chết của tôi sống dậy, vợ tôi còn ngủ bên cạnh tôi, tôi lại nghĩ với chính mình: “Mình không thể tiếp tục.” Và một phút sau, tôi mặc áo phẫu thuật, đi đến phòng giải phẫu, vẫn sống sờ sờ: “Mình sẽ tiếp tục.”


Paul Kalanithi là trưởng thực tập sinh ngành giải phẫu thần kinh ở Đại học Stanford, và cũng là tác giả của quyển tự truyện When Breath Becomes Air.

Một ấn bản của bài văn mặt sau trang xã luận (op-ed) đã được ấn hành trên trang SR9 của tuần báo New York, số ngày 26 tháng 1 năm 2015, với tiêu đề: Tôi còn sống bao lâu?.


[1] CT: Computerized Tomography: Hình chụp cắt lớp vi tính

[2] Sáu độ cách biệt: nguyên bản six degrees (of separation) là một giải thuyết rằng bất cứ người nào trên hành tinh này cũng có thể có mối liên hệ với người khác thông qua 5 mối quan hệ kết nối.

[3] Luyện ngục: Theo Công giáo là nơi dành cho những linh hồn tội lỗi ăn năn và chờ phán xét để được lên thiên đàng.


Theo NY Times
Người dịch: conruoinho

Photo Credit: First Cover