Đánh giá của tôi: ∗∗∗/5

 

Cách đây vài tháng vào những ngày đầu hè nóng ran, tôi đến thăm Hà Nội, tạm trú ngay tại phố Hàng Hành, gần Hồ Gươm. Giữa khu phố cổ nhộn nhịp, tôi vẫn cảm nhận được sự yên ả bình dị của một góc Hà Nội (có lẽ vì cuộc sống ở đấy không quá nhanh như Sài Gòn).  Chỉ vài ngày ngắn ngủi, nên tôi chẳng thể cảm nhận hết những nét đặc trưng của những người sống ở phố hàng, ngoài việc mỗi con đường (thường) bán độc một loại hàng hóa, và cái này thì tôi thấy cũng không khác Sài Gòn là mấy, chỉ có điều ở Sài Gòn các phố không tụm lại một chỗ và con đường không be bé như Hà Nội mà thôi. Thế đấy, người Sài Gòn hay người Hà Nội, thì dù đi đâu hay đọc gì, cũng có sự so sánh với quê mình.

Bắt đầu đọc Trẻ con phố Hàng, tôi nghĩ mình sẽ biết thêm một chút về con người nơi ấy. Nhưng thật kì lạ, những mảnh vụn ký ức của Bạch Ngọc Hoa cũng không khác gì mấy với những đứa trẻ khác cùng thời, dù ở phố Hàng hay chợ Lớn. Đúng như tác giả nói, “Tôi viết cuốn sách này để mong được làm trẻ con thêm lần nữa, và tôi chia sẻ với các bạn với hy vọng rằng các bạn cũng có thể sống lại tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm buồn vui, đầy ngây thơ vụng dại của chính mình… Cái thế giới tuổi thơ trong sáng và giản đơn đến kỳ lạ, cái nơi mà ta từng sống nhưng lại không thể quay về. Cái nơi mà giờ đây chỉ còn trong tình yêu và nỗi nhớ của mỗi người thôi…”[1], quả thật bạn có thể thấy lại tuổi thơ của mình, thỉnh thoảng nghe nhắc đến Hàng này Hàng kia, nhưng nó chưa hẳn là tuổi thơ phố Hàng đối với tôi. Nó thiếu một cái gì đó thật đặc trưng của Hà Nội mà chính tôi không giải thích được vì tôi đã có sống ở đấy đâu. Nhưng tôi cảm thấy thế.

Giọng văn của tác giả cũng khá dễ thương, đơn thuần, nhưng nó không trẻ con. Có những cảm xúc lồng vào mà tôi cảm thấy rằng chỉ khi ta là người lớn hơn một tí mới cảm nhận ra được điều đó, chứ khi còn bé thời tiểu học ấy, thật vô tư chưa suy nghĩ nhiều vậy. Lên cấp hai ba thì mải miết học học, những lo lắng bộn bề cũng chẳng sâu sắc bao nhiêu. Nên dù tôi thấy hay, nhưng chưa xúc động với những câu chuyện của Bạch Ngọc Hoa. Chẳng hạn như:

“Tối hôm ấy tôi vui quá, phải mặc ngay váy mới sang nhà bạn Thùy Dương. Chúng tôi chơi làm công chúa. Vì cả hai đứa đều có váy nên cả hai làm công chúa, không ai phải làm quân hầu hết. Thật là vui. Chơi đến tận khuya bà mới gọi tôi về đi ngủ. Theo thói quen, tôi nằm ôm cánh tay bà để ngủ và hôm nay tôi thấy tay bà hơi khác. Ngón tay bà vẫn đeo nhẫn giờ trống trơn, lõm xuống một vòng tròn, dấu tích của một cái nhẫn vừa bị bán đi. Tôi tự nhiên thấy chẳng thèm váy gì cả, chỉ mong đổi cái váy này lấy nhẫn trả cho bà thôi. Nước mắt tự nhiên cứ trào ra. Tôi hối hận. Vô cùng hối hận. Giá mà tôi không đòi bà mua váy. Giá mà… Nhưng tôi không dám nói gì cả, cũng không khóc thành tiếng mà chỉ lặng lẽ nằm ôm bà…”

hay,

“Ngay tối hôm ấy, ăn cơm xong, tôi với anh tôi lếch thếch ôm con rùa lên đê và thả nó xuống một cái ao đầy lục bình tím. Tôi còn mang theo một quả chuối, bóc ra và để bờ ao cho rùa. Tôi biết đây có thể là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó và cho nó ăn. Dẫu tôi biết rằng xa nó còn hơn để nó phải chết, tôi vẫn thấy buồn vô hạn. Khi người ta sắp phải rời xa một người bạn mà mình yêu quí, thì cảm giác đó thật tồi tệ. Anh và tôi ngồi ở bờ ao một lúc lâu, dù lúc ấy trời tối đen, chỉ nhìn thấy làn nước sóng sánh chứ không thấy rùa đâu nữa. Mãi sau chúng tôi mới ra về.”

Nhưng xét cho cùng, tuy chưa phải là một tác phẩm xuất sắc, tôi vẫn nghĩ nó là một tác phẩm đáng dành 1 tiếng đồng hồ trong cuộc đời mình để đọc, và thỉnh thoảng có thể đọc lại. Vì tôi nghĩ, dù đọc xong dư âm tuổi thơ của Bạch Ngọc Hoa không đọng lại trong tâm trí bạn, thì dư âm tuổi thơ của chính bạn được gợi lên từ những dòng tâm sự của Hoa sẽ vẫn lảng vảng đâu đấy trong tâm hồn bạn thôi.


 

Photo Credit: Book stock photo
[1] Theo ngoisao.net