Chat Sách đánh giá: ∗∗∗∗∗/5

Hôm nay đọc được một bài viết hay về “quyền được chết” của bạn Bùi Phú Châu (Trường Luật, Đại học Westminster, London, UK), tôi nghĩ về quyển Me Before You (Trước Ngày Em Đến) mà tôi đọc cách đây không lâu. Tôi không thích tựa sách của NXB Trẻ lắm, nó không bao hàm hết được ý nghĩa của câu chuyện cũng như nó làm câu chuyện trở nên ủy mị hơn cảm nhận của tôi, nên trong bài bình luận này tôi chỉ dùng tên gốc của sách. Bài viết có thể có “spoiler”.

Thường thì với những tác phẩm văn học lãng mạn, đa số tôi đọc một lần rồi quên ngay, có chăng chỉ đánh dấu tên sách vào một cái app trong điện thoại để sau này khỏi đọc lại, số lượng tác phẩm chicklit để lại chút ấn tượng trong tôi đếm trên đầu ngón tay, trong đó có Me Before You. Những câu chuyện tình yêu một thì nó tạo cảm giác bồng bềnh phơi phới muốn được yêu ngay, hai là nó tạo cảm giác thất vọng ê chề. Còn Me Before You tạo cho tôi một cảm giác thổn thức trong sự lạc quan và thỏa mãn. Nhưng hãy dè chừng, kết cục của truyện cũng có thể khiến bạn thấy thấy bất bình, và ghét nó đến tận xương tủy.

Will từ một chàng trai thành đạt, bỗng chốc trở thành kẻ tàn phế. Lou thất nghiệp và cần một công việc tạm thời. Lou nhận lời của mẹ Will đến chăm sóc anh, nhiệm vụ của cô là làm cho anh vui tươi hơn trong cuộc sống. Nhưng trong thời gian làm việc, thay vì giúp anh vượt qua những buồn khổ, Lou lại được anh khuyến khích giúp đỡ trở để sống tốt hơn. Lou chỉ là một cô gái bình thường, và Will cũng là một chàng trai bình thường (theo quan điểm của tôi). Một người cần công việc, một người cần người giúp việc, thế là họ gặp nhau, tính cách và hoàn cảnh khiến họ yêu nhau. Vậy thôi, cũng như bao câu chuyện tình yêu khác, thật sự không có gì đặc biệt, cũng chẳng có trích dẫn hay nào đáng nhớ.

Nhưng câu chuyện không đi quá sâu vào tình yêu trai gái của họ, mà nó trực tiếp gắn kết tình yêu đó với tình yêu thương của gia đình. Không những thế, nó còn đem tình yêu thương ra đong đo và tính toán: Bạn yêu thương người thân đến mức nào để duy trì cuộc đời thực vật của họ? Bạn yêu thương người thân đến mức nào để có thể chấp nhận cho họ “quyền được chết”? Yêu là để cho người ta được sống theo ý họ hay yêu là để cho người ta được sống? Đó là những câu hỏi mà tôi nghĩ không mấy ai trong chúng ta từng trải nghiệm để có đủ cơ sở quyết định trắng đen. Nhưng với Me Before You, Jojo Moyes lại can đảm ép các nhân vật của mình vào những hoàn cảnh ấy trong tác phẩm của mình. Sự chọn lựa của họ trong những tình huống ấy, đặc biệt là của Will, chính là điều đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Nó mở ra một suy nghĩ mới, tự do hơn, can đảm hơn, và cũng ích kỷ (hay vị kỷ mới đúng nhỉ?) hơn: Tình yêu là chuyện của nhiều người, nhưng sự sống lại là quyết định của một người mà thôi. Đó chính là khi tôi nhận thấy vẫn còn có một vài câu chuyện tình yêu ủy mị đáng để chúng ta rơi nước mắt.

Nếu cốt truyện và kết cục là cái hay của truyện, thì tôi cũng nêu ra cái dở của truyện nằm trong những chi tiết rập khuôn (Lou nhà nghèo, Will nhà giàu) hay những nhân vật thừa thải (Patrick). Nếu gia đình Will không giàu có, liệu anh có được sự chọn lựa nào? Vì sao các cô gái trong chicklit cứ phải yêu nhằm một kẻ gia trưởng như Patrick? Ngoài ra, tuy đây là lần đầu tôi đọc truyện của Jojo Moyes, tôi cảm nhận giọng văn của cô không hay, phải đến gần nửa quyển sách tôi mới bị câu chuyện cuốn hút vào. Và thật sự nếu không có một quan điểm nhất định về “quyền được chết”, có thể mình đã dễ dàng phủi tay ngưng đọc quyển sách này giữa chừng thay vì đọc cho hết. Thế nên, khi biết sắp có quyển thứ hai After You nối tiếp Me Before You, tôi nghĩ chắc mình sẽ không tìm đọc nó.

mebeforeyou-tned


Photo Credit: Book stock photo, Siouxlander.blogspot.com